Xây dựng khẩu phần ăn cho bệnh nhân tiểu đường theo chuẩn y khoa
Việc xây dựng khẩu phần ăn cho bệnh nhân tiểu đường một cách khoa học sẽ giúp kiểm soát tốt bệnh và hạn chế phải phụ thuộc vào thuốc. Bài viết sau đây, Suppro sẽ hướng dẫn một số nguyên tắc trong ăn uống cũng như cách tính khẩu phần ăn chi tiết, để người bệnh có thể dễ dàng áp dụng trong bữa ăn hàng ngày, đem lại hiệu quả và sức khỏe cho bản thân.
1. Khẩu phần ăn cho bệnh nhân tiểu đường cần tuân theo nguyên tắc nào?
Chế độ ăn của bệnh nhân tiểu đường cần đạt được những mục tiêu đó là: kiểm soát tốt các chỉ số đường huyết, huyết áp, lipid máu, giữ được cân nặng hợp lý và quan trọng nhất là đảm bảo được sức khỏe cho sinh hoạt và làm việc. Do vậy khẩu phần ăn cho người bệnh cần tuân thủ theo những nguyên tắc sau đây:
- Ăn đa dạng các loại thực phẩm trong thực đơn hàng ngày, hàng tuần.
- Bữa ăn cần đảm bảo có đủ nhóm chất bột đường, chất đạm, chất béo, chất xơ.
- Ổn định lượng bột đường trong mỗi bữa ăn để tránh bị hạ đường huyết hoặc tăng đường huyết sau khi ăn.
- Ăn vừa đủ với nhu cầu của cơ thể.
- Chia nhỏ bữa ăn thành nhiều phần trong ngày (5-6 bữa/ngày), ăn chậm và nhai kỹ.
- Tránh xay nhuyễn, hầm nhừ hoặc nấu đồ ăn ở nhiệt độ quá cao. Hạn chế các món chiên, nướng,… tốt nhất là luộc hoặc hấp,…
2. Các bước xây dựng khẩu phần ăn cho bệnh nhân tiểu đường
Xác định cân nặng lý tưởng
Xác định cân nặng lý tưởng dựa trên chiều cao bằng công thức sau đây:
Cân nặng lý tưởng ở Nam = chiều cao (m) x chiều cao (m) x 22.
Cân nặng lý tưởng ở Nữ = chiều cao (m) x chiều cao (m) x 21.
Ví dụ: Người tiểu đường là nam, cao 1m70 thì cân nặng lý tưởng là: 1,7 x 1,7 x 22 = 63,58kg.
Việc xác định cân nặng lý tưởng sẽ giúp người tiểu đường biết được mình đang có nguy cơ thừa cân, béo phì hoặc suy dinh dưỡng hay không, từ đó có chế độ ăn để tăng hoặc giảm cân phù hợp.
Xác định nhu cầu năng lượng (Calo) hàng ngày
Nhu cầu năng lượng sẽ phụ thuộc nhiều vào giới tính, tuổi tác, cân nặng và mức độ lao động nặng hay nhẹ. Nhu cầu năng lượng hàng ngày của người tiểu đường sẽ được tính theo công thức sau:
Lượng Calo cần nạp = Cân nặng lý tưởng x Chỉ số mức độ hoạt động.
Mức độ hoạt động | Chỉ số |
Nằm tại giường | 25 |
Lao động nhẹ | 30 |
Lao động trung bình | 35 |
Lao động nặng | 40 |
Ví dụ: Đối với người cao tuổi mắc tiểu đường chỉ hoạt động nhẹ nhàng tại nhà có cân nặng lý tưởng là 64kg, lượng Calo cần nạp hàng ngày sẽ là 64 x 30 = 1920 Calo.
Sau khi đã tính được năng lượng cần nạp hàng ngày, người bệnh cần xác định so với cân nặng lý tưởng đã tính toán ở trên xem cần tăng hay giảm cân để tăng/giảm lượng calo cần thiết trong khẩu phần ăn.
- Nếu cần giảm cân: Lượng calo nạp vào nên trừ 400 – 500 Calo so với lượng calo đã tính ở trên. Việc này sẽ giúp cơ thể giảm khoảng 0,5kg mỗi tuần.
- Nếu cần tăng cân: Lượng calo cần nạp thêm so với lượng calo đã tính ở trên là khoảng 400 – 500 Calo mỗi ngày.
- Phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ hoặc đang cho con bú: cần nạp thêm 300 – 500 Calo mỗi ngày
Lựa chọn thực phẩm cho khẩu phần ăn của người tiểu đường
Thực phẩm được lựa chọn để xây dựng khẩu phần ăn cho bệnh nhân tiểu đường cần đảm bảo tỷ lệ các nhóm chất dinh dưỡng như sau:
- Nhóm chất bột đường (50-60%): đây là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu và ảnh hưởng nhiều nhất đến đường huyết của người bệnh. Thực phẩm nhóm này nên lựa chọn bao gồm: ngũ cốc nguyên cám, các loại rau xanh, đậu hạt, khoai lang, khoai sọ, trái cây, sữa đậu nành,…
- Chất đạm (15-35%): nên ăn nhiều thịt trắng (ức gà, cá hồi,… ), đạm thực vật (có trong các loại hạt, đậu nành,… ), các sản phẩm dinh dưỡng chứa Whey protein. Hạn chế ăn một số loại thịt đỏ như thịt bò, thịt dê,…
- Chất béo (15-35%): không nên lựa chọn thực phẩm chứa chất béo bão hòa có trong mỡ động vật, bơ, phô mai, dầu dừa,… Tăng cường bổ sung chất béo không bão hòa có trong dầu cá, dầu đậu nành, dầu hướng dương,…
- Chất xơ: cần bổ sung tối thiểu 14g/1000 Kcal. Ưu tiên bổ sung chất xơ hòa tan có trong bông cải xanh, khoai lang, đậu Hà lan, cà rốt,…
- Muối: không nên nạp vào nhiều hơn 6g/ngày. Đối với người cao huyết áp hoặc đang bị suy tim, suy thận thì lượng muối nạp vào cần ít hơn 2g/ngày.
- Vitamin và chất khoáng: không cần bổ sung nếu chế độ ăn đã cân đối. Vitamin và khoáng chất có nhiều trong rau củ, rau có màu xanh đậm, các loại trái cây họ cam, quýt, chuối, ổi, bơ,…
- Nước uống: bổ sung đầy đủ nước lọc, nước khoáng khoảng 2 lít mỗi ngày.
Ngoài cách tính tỉ lệ các nhóm chất như trên, người tiểu đường có thể ước lượng đơn giản theo phương pháp “Đĩa thức ăn 25cm” với tỉ lệ sau:
- 2 phần rau, củ (chiếm 50% đĩa thức ăn).
- 1 phần bột đường (chiếm 25% đĩa thức ăn).
- 1 phần đạm (chiếm 25% đĩa thức ăn).
- 1 muỗng nhỏ dầu khoảng 2ml.
Quy đổi năng lượng (Calo) sang lượng thực phẩm cần tiêu thụ (gam)
Để tính được lượng thức ăn cụ thể dựa trên tỉ lệ các nhóm thức ăn như đã nêu trên, người bệnh cần nắm được cách quy đổi từ năng lượng (calo) sang khối lượng (gam) các nhóm chất trong thực phẩm như sau:
- 1g bột đường cung cấp 4 calo.
- 1 gam đạm cung cấp 4 calo.
- 1g chất béo cung cấp 9 calo.
Ví dụ: bệnh nhân tiểu đường cao tuổi, chỉ hoạt động nhẹ nhàng ở nhà, cân nặng lý tưởng là 64 thì lượng calo cần nạp hàng ngày là 1920 calo. Như vậy, người bệnh cần:
- 55% bột đường = 1056 calo tương đương với 264g bột đường.
- 20% đạm = 384 calo tương đương với 96g chất đạm.
- 25% chất béo = 480 calo tương đương với 53,33g chất béo.
3. Thực đơn mẫu cho bệnh nhân tiểu đường.
Người tiểu đường nên có chế độ ăn uống và thực đơn đa dạng các món ăn, thay đổi hàng ngày hoặc hàng tuần để người bệnh đỡ ngán và thực hiện được lâu dài. Sau đây là một số thực đơn trong ngày mà người bệnh tiểu đường có thể tham khảo:
Ngày 1: Bữa sáng có phở gà và hoa quả.
Bữa trưa gồm 1 bát cơm + canh súp lơ + đậu phụ + cá kho + hoa quả.
Bữa nhẹ có thể có bánh quy ít đường + 1 cốc sữa.
Bữa tối gồm 1 bát cơm + rau cải luộc + thịt kho + hoa quả.
Ngày 2: Bữa sáng có bánh cuốn và hoa quả.
Bữa trưa gồm 1 bát cơm + canh tôm rau cải + trứng rán + hoa quả.
Bữa nhẹ có bánh Flan.
Bữa tối gồm 1 bát cơm + salad thịt gà + canh gà nấu nấm + hoa quả.
Ngày 3: Bữa sáng có bánh mì nguyên cám + hoa quả.
Bữa trưa gồm 1 bát cơm + canh cá nấu chua + hoa quả.
Bữa nhẹ có ngô luộc và khoai lang luộc.
Bữa tối gồm 1 bát cơm + cà rốt luộc + đậu phụ nhồi thịt + hoa quả.
Trên đây là những gợi ý về cách xây dựng thực đơn cho bệnh nhân tiểu đường đơn giản và hiệu quả, để người nhà cũng như người bệnh tiểu đường dễ dàng áp dụng trong bữa ăn gia đình. Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên kết hợp với việc thường xuyên vận động và có lối sống lành mạnh, suy nghĩ tích cực để giúp bệnh tiến triển tốt hơn, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống.