Các biện pháp phòng ngừa ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ trên toàn thế giới, chỉ đứng thứ hai sau ung thư vú. Theo thống kê, mỗi ngày tại Việt Nam lại có khoảng 9 phụ nữ tử vong vì căn bệnh này. Tuy nhiên, nếu chủ động dự phòng, sàng lọc và phát hiện sớm thì ung thư cổ tử cung có tỷ lệ chữa khỏi rất cao. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa ung thư cổ tử cung hiệu quả nhất. Hãy tìm hiểu cùng Suppro trong bài viết này nhé!
Mục lục
Tổng quan về bệnh ung thư cổ tử cung
Trước khi tìm hiểu về các biện pháp phòng ngừa ung thư cổ tử cung, bạn cần nắm được những kiến thức cơ bản về căn bệnh này.
Ung thư cổ tử cung là gì?
Ung thư cổ tử cung là bệnh lý ác tính xảy ra ở các tế bào lót của cổ tử cung (khe hẹp nối tử cung với âm đạo). Bệnh xảy ra khi các tế bào này phát triển một cách không kiểm soát và lấn át các tế bào bình thường, tạo thành khối u trong cổ tử cung. Các khối u này xâm lấn đến các cơ quan xung quanh, thường gặp nhất là di căn đến phổi, gan, bàng quang, trực tràng và âm đạo.
Ung thư cổ tử cung thường xảy ra với phụ nữ ở độ tuổi trung niên từ 35 đến 44. Theo thống kê năm 2020, Việt Nam có hơn 9000 ca mắc mới ung thư cổ tử cung và có hơn 3000 ca đã tử vong vì căn bệnh này. Phần lớn, người bệnh đến khám và điều trị khi bệnh đã ở giai đoạn muộn khiến cho việc điều trị trở lên rất khó khăn.
Nguyên nhân gây ra ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Nhưng nguyên nhân chủ yếu là do nhiễm virus HPV (Human Papilloma Virus). Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hầu hết các trường hợp mắc ung thư cổ tử cung là bởi sự có mặt của virus HPV. Chính vì vậy, virus HPV được coi là yếu tố nguy cơ cao nhất dẫn đến việc mắc bệnh lý này ở nữ giới. HPV là một nhóm gồm hơn 200 virus liên quan, được phân loại thành HPV nguy cơ cao và HPV nguy cơ thấp. Có khoảng 14 typ HPV nguy cơ cao, trong đó HPV16 và HPV18 đã được xác định là nguyên nhân chính dẫn đến ung thư cổ tử cung. Đường lây truyền chủ yếu của HPV là đường tình dục, tuy nhiên một số ít trường hợp bệnh nhân chỉ tiếp xúc ngoài da vẫn có khả năng bị lây nhiễm.
Ngoài nguyên nhân chính do HPV gây ra, còn phải kể đến một số nguyên nhân khác cũng làm tăng khả năng mắc bệnh như: chế độ dinh dưỡng kém, sự suy giảm hệ miễn dịch, nhiễm trùng, nhiễm Herpes virus, vệ sinh vùng kín không đúng cách, quan hệ tình dục không an toàn,…
Các triệu chứng thường gặp
Ở giai đoạn đầu và tiền ung thư cổ tử cung, người bệnh thường không có các triệu chứng rõ ràng hoặc dễ bị nhầm lẫn với việc mắc các bệnh phụ khoa thông thường khác nên khó nhận biết. Khi khối u ác tính phát triển mạnh hơn, triệu chứng xuất hiện rõ ràng hơn thì cũng đồng nghĩa với việc các tế bào ung thư đã di căn đến các mô lân cận.
Một số triệu chứng thường gặp:
- Đau ở vùng xương chậu và đau lưng dưới.
- Đau khi quan hệ tình dục.
- Dịch tiết âm đạo bất thường: dịch tiết nhiều hơn, có mùi hôi, có thể chứa một ít máu hoặc màu xám đục.
- Chảy máu bất thường từ âm đạo: thường xảy ra chảy máu sau khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, giữa các kỳ kinh nguyệt, sau khi mãn kinh và sau khi khám phụ khoa.
- Kinh nguyệt không đều hoặc chu kỳ kinh nguyệt kéo dài hợn so với bình thường.
- Đi tiểu nhiều lần, đi tiểu, đi ngoài ra máu (dấu hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung có thể đã di căn đến bàng quang, trực tràng).
Các biện pháp phòng ngừa ung thư cổ tử cung
Tiêm phòng vắc-xin HPV
Đây được xem là biện pháp đơn giản, hữu hiệu nhất để phòng ngừa ung thư cổ tử cung. Vắc-xin HPV tạo cho cơ thể khả năng đáp ứng miễn dịch chống lại sự xâm nhập và gây bệnh của virus Human Papilloma (HPV). Nên tiêm vắc-xin phòng HPV trong giai đoạn vàng từ 9 – 26 tuổi để đạt được hiệu quả cao nhất. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, trong vòng 6 tháng đến 1 năm nên tiêm đủ 3 mũi vắc-xin ngừa HPV.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý
Xây dựng chế độ ăn uống, dinh dưỡng cân bằng, đủ chất sẽ góp phần nâng cao thể trạng, tăng cường khả năng miễn dịch và sức đề kháng cũng là một cách tạo ra hàng rào bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây bệnh, giúp phòng ngừa ung thư cổ tử cung cũng như các bệnh ung thư khác. Đặc biệt là các thực phẩm chứa hàm lượng cao vitamin A, C, E, canxi, kẽm, selen và giàu các chất chống oxy hóa sẽ giúp loại bỏ các gốc tự do, ngăn ngừa ung thư một cách hiệu quả.
Chế độ sinh hoạt khoa học
Việc xây dựng một chế độ nghỉ ngơi, vận động, luyện tập thể dục thể thao hợp lý cũng là một trong những yếu tố giúp phòng ngừa ung thư cổ tử cung. Nên ngủ đủ giấc, từ 7 – 8 giờ/ ngày và không nên thức quá khuya. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng stress cũng là một trong những yếu tố khiến mầm bệnh dễ hình thành và phát triển nhanh hơn. Do đó, hãy giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ, lạc quan, tránh căng thẳng, mệt mỏi.
Lối sống lành mạnh
Virus HPV chủ yếu lây nhiễm qua đường tình dục. Vì vậy, nên thực hiện lối sống lành mạnh để phòng ngừa ung thư cổ tử cung bằng các biện pháp như sau:
- Quan hệ tình dục an toàn bằng cách sử dụng bao cao su.
- Không lạm dụng thuốc tránh thai vì nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu thường xuyên sử dụng thuốc tránh thai sẽ gây ra các tác dụng phụ làm nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao hơn.
- Không quan hệ tình dục quá sớm, nhất là ở độ tuổi vị thành niên, khi cơ quan sinh dục còn nhạy cảm, chưa phát triển hoàn chỉnh.
- Nên vệ sinh sạch sẽ vùng âm đạo trong các kỳ kinh nguyệt và sau khi quan hệ tình dục…
Sàng lọc ung thư cổ tử cung
Ở giai đoạn sớm, ung thư cổ tử cung hầu như không có triệu chứng cụ thể nào. Do đó, sàng lọc sớm là biện pháp tốt nhất để phòng ngừa, phát hiện và điều trị kịp thời bệnh lý này. Việc sàng lọc ung thư cổ tử cung rất quan trọng, đặc biệt là ở phụ nữ độ tuổi trung niên từ 35 – 44 tuổi. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngay cả khi đã tiêm vắc-xin phòng virus HPV thì vẫn cần sàng lọc định kỳ để phát hiện tổn thương tiền ung thư và ung thư giai đoạn sớm, nếu không may mắc bệnh. Đây là phương pháp tiên quyết hàng đầu để phát hiện ra các tế bào bất thường trước khi chúng biến đổi thành tế bào ung thư. Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn hoặc đã bỏ lỡ thời điểm vàng của quá trình điều trị thì các tế bào bất thường này càng phát triển nhanh hơn, dẫn đến hiệu quả điều trị cũng giảm dần. Vậy nên, nếu được sàng lọc định kỳ và phát hiện ung thư cổ cung ở giai đoạn sớm thì không những giảm được chi phí điều trị mà tỷ lệ điều trị bệnh thành công cũng rất cao.
Bài viết này là toàn bộ thông tin về các biện pháp phòng ngừa ung thư cổ tử cung hiệu quả nhất mà Suppro đã tổng hợp được. Hy vọng rằng các bạn sẽ có thêm những thông tin hữu ích về căn bệnh này, từ đó có những biện pháp để bảo vệ bản thân mình tránh khỏi các tác nhân gây bệnh và giúp nâng cao sức khỏe.